Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
Sunday, 28/04/2024 | 00:25

Đề văn nghị luận xã hội - Đề 4

ĐỀ IV

Câu 1 (8 điểm) Đọc câu chuyện sau:

          Một buổi sáng đẹp trời, một người đàn ông đứng tuổi thong dong chiếc xe máy trên đường đi làm. Đột nhiên, từ trong ngõ, một chiếc xe máy vọt ra khá nhanh. Người đàn ông chỉ kịp phanh gấp lại. Những người đứng gần đó đều thót tim. Người thanh niên liền sừng sộ, to tiếng chửi bới người đàn ông kia. Thay vì đáp lại bằng sự giận dữ, cãi vã, người đàn ông chỉ nở nụ cười khoan dung và đưa tay chào.

          Khi người thanh niên bỏ đi, những người chứng kiến sự việc hỏi: "Lỗi hoàn toàn thuộc về anh ta mà anh ta còn lớn tiếng chửi ông, sao ông không nói gì cả mà lại còn chào anh ta?" Người đàn ông mỉm cười và nói rằng: "Bởi tôi thấy trong hoàn cảnh như vậy không còn cách nào hay hơn". (Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh - Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Tú Phương - Nxb ĐHQG HN, tr 28)

        Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa câu chuyện trên. 

 

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

 

I. VỀ KỸ NĂNG

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội. Biết vận dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận. Đưa ra được ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.

- Bài viết có bố cục mạch lạc, hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, dẫn chứng phong phú, thuyết phục.

- Không mắc lỗi dùng từ, viết câu, chính tả.Văn viết có cảm xúc.

- Trình bày sạch sẽ, khoa học.

II. VỀ NỘI DUNG

Hướng dẫn chấm chỉ nêu những định hướng chính. Học sinh có thể có nhiều cách sắp xếp và tổ chức bài làm theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đáp ứng những kiến thức cơ bản sau:

- Câu chuyện ngắn gọn, nêu lên một cách xử lý tình huống, cách con người kiểm soát cảm xúc của bản thân để giúp giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa, giảm căng thẳng. Câu chuyện cũng đưa ra một cách sống văn minh, hiện đại, tích cực, có ý nghĩa khích lệ với tất cả mọi người nhất là tầng lớp thanh niên.

- Câu chuyện cũng nêu ra một cách xử lí tình huống hay, hợp lý.

+ Mỗi người trong cuộc sống cần phải làm chủ được cảm xúc của mình. Vì vậy, khi đối mặt với vấn đề ngoài ý muốn, phải tự đặt ra cho mình những thái độ và cách phản ứng phù hợp. Người đàn ông trong câu chuyện có quyền giận dữ và biểu lộ sự tức giận của mình, vì người thanh niên kia có lỗi với ông ta. Nhưng, người đàn ông thay vì giận dữ lại mỉm cười và vẫy tay chào người thanh niên. Người đàn ông đã kiềm chế cơn giận của mình, hướng suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực để giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa, giảm căng thẳng.

+ Sự giận dữ là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của con người trong cuộc sống, nhất là khi con người gặp chuyện bực mình. Tuy nhiên, đây là những cảm xúc tiêu cực. Trút giận sang người khác không chỉ làm người khác đau khổ, khó chịu mà chính bản thân mỗi người cũng thấy không thoải mái, thanh thản. Có khi, sự giận dữ không kiểm soát có thể dẫn đến tranh cãi, đánh lộn, bạo hành ... Cảm xúc tiêu cực còn có thể làm giảm nhiệt tình của con người trong cuộc sống, lấy đi sự tự tin của bản thân.

+ Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Một cử chỉ thân thiện có khả năng kéo gần khoảng cách giữa mọi người với nhau. Nuôi dưỡng những cảm xúc, những hành động tích cực sẽ giúp con người giải quyết mọi việc một cách hiệu quả, thân thiện và văn minh.

+ Cảm xúc của con người thường được nảy sinh do hoàn cảnh. Vì vậy, con người cần biết thích ứng hoặc thay đổi, điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh để tạo ra những cảm xúc và hành động tích cực.

+ Tuy vậy, cũng cần lên án những cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, hướng tới những hành xử đẹp, văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn.

B. BIỂU ĐIỂM

- Điểm 7 - 8: Học sinh trình bày một cách thuyết phục hai yêu cầu kiến thức và kĩ năng.

- Điểm 5 - 6 : Học sinh trình bày một cách tương đối các yêu cầu về kiến thức, thiếu một vài ý nhỏ, mắc ít lỗi trong kĩ năng.

- Điểm 3 - 4 : Học sinh trình bày 1/2 yêu cầu về kiến thức, vi phạm nhiều lỗi kĩ năng.

- Điểm 1 - 2: Chưa nắm được vấn đề, vi phạm nhiều lỗi kĩ năng.

  

 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT: